Hôm nay, 13-6, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM sẽ công bố điểm thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018. Theo ghi nhận ban đầu, phổ điểm năm nay thấp hơn năm ngoái, rất hiếm điểm cao
Năm nay là năm đề thi lớp 10 tại TP HCM được đánh giá có sự đổi mới mạnh mẽ ở cả 3 môn nhưng theo kết quả chấm thi, phổ điểm có nhiều biến động, theo chiều hướng thấp hơn mọi năm. Vì sao đề thi đổi mới mà phổ điểm lại đi xuống? Vấn đề nằm ở khâu ra đề hay trình độ thí sinh?
Phổ điểm thấp dần đều
Nhiều giáo viên (GV) tham gia chấm thi tiết lộ phổ điểm dưới trung bình sẽ không có nhiều nhưng phổ điểm khá giỏi (mức 8-9 điểm) năm nay ở cả 3 môn rất ít, hầu như không có điểm 10, hiếm điểm 9.
Học sinh thi lớp 10 tại TP HCM năm 2018 Ảnh: TẤN THẠNH
GV môn ngữ văn một trường THPT cho biết bất ngờ nhất là khi chấm thi môn văn năm nay. Nhiều thầy cô nhận định ban đầu rằng với đề thi như vừa qua sẽ có nhiều điểm cao nhưng ngược lại, phổ điểm còn thấp hơn năm 2017. “Phổ điểm chủ yếu nằm trong khoảng 5-6, điểm 8 rất hiếm” – GV này nói.
Thậm chí, có GV còn cho biết chưa năm nào chấm thi mà trong một phòng thi lại có đến 3 bài điểm 0 môn văn. Không có lý do gì để cho điểm những bài thi này vì các em làm những 3 tờ nhưng là chép lại đề và làm văn mà như trả lời câu hỏi trắc nghiệm.
Trong khi đó, ở 2 môn toán và tiếng Anh, theo nhiều GV, điểm 9 và 10 năm nay hầu như không có. Phổ điểm môn toán rải đều trong khoảng 5-7. Dù đề thi có tính vận dụng cao nhưng hầu như thí sinh mất điểm ở những câu hỏi thực tế, chỉ làm được những bài toán truyền thống. Riêng môn toán có nhiều bài thi điểm dưới mức trung bình. Phổ điểm của môn tiếng Anh tương tự môn văn, theo nhiều GV nằm ở khoảng 6-7.
Học sinh chưa thoát được sách giáo khoa
Năm 2018 được tính là năm thứ 3 đề thi vào lớp 10 tại TP HCM có sự đổi mới mạnh mẽ, sâu rộng nhất. Vì thế, sau kỳ thi, nhiều nhà giáo, kể cả học sinh, đều lạc quan cho rằng phổ điểm năm nay sẽ cao, kéo theo điểm chuẩn tăng. Vì sao điểm thi lại thể hiện theo chiều hướng ngược lại?
Một GV tham gia chấm thi môn văn cho rằng hầu như thí sinh không có kỹ năng làm bài, khiến người chấm thi thấy ức chế. Bài làm không có chất văn chương, tính cảm thụ. “Đề thi rất rõ ràng, đáp án cũng ổn nhưng nhiều thí sinh làm văn mà như trả lời trắc nghiệm; không có chủ ngữ, vị ngữ; viết lan man, dài dòng. Ngay ở câu phân tích đoạn thơ – vốn không có gì mới và rất dễ lấy điểm – nhưng có những bài làm không tìm ra ý để cho điểm” – GV này nêu thực trạng.
Đây là năm thứ 3, thí sinh TP HCM được làm quen với đề thi đổi mới nhưng phổ điểm lại thấp. Một chuyên gia giáo dục cho rằng phải xem thí sinh mất điểm ở những câu hỏi dạng nào mới có sự đánh giá chính xác điểm thấp nằm ở khâu ra đề hay trình độ các em.
Vị này phân tích: Đề cả 3 môn thi đều được đánh giá là mở, có tính ứng dụng trong thực tiễn cao, không nặng về hàn lâm. Thậm chí, môn toán còn có hơi hướng của đề thi SAT – đề thi được nhiều quốc gia tiên tiến áp dụng. Thế nhưng, trên thực tế, thí sinh lại mất điểm ở những câu hỏi về thực tiễn, chỉ làm được những câu thuần về toán học, không thoát ra được khỏi sách giáo khoa. Môn tiếng Anh cũng vậy, từ khi đề thi không còn nặng về ngữ pháp, tăng câu về thực tiễn thì thí sinh lúng túng.
Theo một GV trường THPT chuyên tại TP HCM, trong 3 năm qua, đề thi lớp 10 mỗi năm một hay hơn. Tuy nhiên, có vẻ những người ra đề đã “lệch pha” so với thực trạng dạy và học đang diễn ra tại các trường THCS. Không thể phủ nhận đề hay, đề mở nhưng cũng phải khẳng định chỉ phù hợp với một một bộ phận GV dám đổi mới cách dạy, truyền thụ cho học sinh và phù hợp với phân khúc học sinh đã làm quen với cách học đổi mới này. Trong khi đó, thực tế hiện nay cho thấy nhiều thầy cô không dám vượt ra ngoài cách dạy truyền thống mà kiên trì bám sách giáo khoa.
“Chỉ cần đề thi đổi mới một chút là thí sinh lập tức không thích nghi kịp, không quen cách làm bài nên kết quả không như mong muốn” – GV nêu trên nhìn nhận.