Dựa vào điểm thi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố chiều (13.6), nhiều chuyên gia cho rằng phổ điểm không đột biến, điểm chuẩn lớp 10 dao động trung bình khoảng 1 điểm so với năm 2017.
Tăng trung bình 1 điểm
Kết quả môn ngữ văn có 74.872 thí sinh (TS) đạt trên 5 điểm (chiếm 86,31%) trong đó có 6.012 TS đạt từ 8 điểm trở lên. Ở môn toán, có 42.101 TS đạt điểm trên 5 (chiếm 48,54%) trong đó có 8.586 đạt điểm trên 8 và 808 TS đạt điểm 10. Còn môn tiếng Anh có 43.947 TS đạt điểm trên trung bình trong đó có 9.857 điểm từ 8 trở lên và có 60 bài thi điểm tuyệt đối.
Với số liệu thống kê nói trên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết so sánh với năm 2017, mặt bằng điểm thi môn toán, tiếng Anh tương đương, môn ngữ văn có tăng. Ông Hiếu nói thêm phổ điểm tuyển sinh không đột biến.
Còn ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), chuyên gia tư vấn về tuyển sinh lớp 10, cũng cho hay mặt bằng điểm không có thay đổi lớn nhưng với số TS tăng hơn năm trước gần 20.000 dẫn đến việc điểm chuẩn sẽ tăng trung bình khoảng 1 điểm.
Cụ thể, ông Mậu Minh phân tích qua số liệu thống kê, chẳng hạn năm 2017, có 428 TS đạt từ 43 điểm trở lên thì năm nay với số lượng TS tương tự, mức điểm đạt là 44,25 điểm tăng 1,25 điểm. Đến mức điểm 40, năm trước có 3.381 TS thì năm nay có 3.289 TS đạt 40,75 điểm. Tương tự, năm ngoái có 5.090 TS đạt 39 điểm thì năm nay cùng số lượng TS này, mức điểm tăng lên là 39,5… Các mức điểm thống kê nói trên tương ứng với điểm chuẩn các trường tốp đầu, do vậy, ông Mậu Minh nhận định, khả năng những trường như: Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình), Bùi Thị Xuân (Q.1), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Trung học thực hành ĐH Sư phạm (Q.5), Gia Định (Q.Bình Thạnh), Trần Phú (Q.Tân Phú), điểm chuẩn có thể tăng từ 0,75 đến 1 điểm.
Tương tự, so sánh các mức điểm chuẩn ở các trường thuộc tốp 2 cho thấy, năm nay có 6.947 TS đạt 38,5 điểm thì năm trước cũng với số lượng này, kết quả bài thi là 38 điểm. Còn ở mức 36 điểm, năm trước có 11.907 TS nhưng đến năm nay nếu so cùng số TS này thì mức điểm là 36,5. Từ đó, một số giáo viên cho rằng những trường tốp 2 như: Trưng Vương, Lương Thế Vinh (Q.1), Lê Quý Đôn (Q.3), Mạc Đĩnh Chi (Q.6), Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp), Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận), Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình)… năm nay sẽ tăng trung bình khoảng 1 điểm. Đặc biệt, có giáo viên lưu ý, cùng địa bàn Q.1, có 2 trường là Trưng Vương và Lương Thế Vinh có sự thay đổi khá lớn. Cụ thể, Trường Trưng Vương năm 2017 có tỷ lệ chọi là 1,81 thì năm nay tăng lên thành 2,82. Còn Trường THPT Lương thế Vinh, năm trước tỷ lệ chọi giảm thì năm nay tăng từ 1,42 lên thành 1,86.
Tăng mạnh ở trường tốp giữa
Một giáo viên ở Q.1 dự đoán, với phổ điểm tập trung ở mức điểm trung bình khá, nên điểm chuẩn những trường tốp giữa sẽ có biến động mạnh hơn những trường tốp trên. Và với nhóm trường này, ông Minh cũng thống kê và dự đoán mức điểm chênh lệch có thể lên đến 1,25 điểm. Theo đó, năm nay có 14.318 TS đạt 35,5 điểm thì năm trước cùng số lượng nhưng điểm đạt được là 35 điểm. Hay năm trước 17.000 TS đạt 34 điểm thì năm nay 17.000 người đạt 34,5 điểm… Do vậy nhóm trường có điểm chuẩn từ 30 đến 36 điểm như Marie Curie (Q.3), Hùng Vương, Trần Khai Nguyên (Q.5), Ngô Quyền (Q.7), Nguyễn Khuyến (Q.10), Võ Trường Toản, Trường Chinh (Q.12), Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh), Thủ Đức (Q.Thủ Đức)… sẽ thay đổi theo mức điểm dự đoán trên.
Cũng với hình thức so sánh các mức điểm như trên, nhiều giáo viên nhận định do tỷ lệ “chọi” tăng nên điểm chuẩn của những trường dưới 30 điểm cũng theo xu thế tăng khoảng 1,5 điểm. Đó là những trường như Nguyễn Thị Diệu (Q.3), Nguyễn Trãi, Nguyễn Hữu Thọ (Q.4), Nguyễn Tất Thành (Q.6), Lê Thánh Tôn (Q.7), Nguyễn Huệ (Q.9), An Lạc, Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Tân)…