Cách đây 10 ngày, một chủ doanh nghiệp nhỏ tâm sự với tôi: gần đây người người nhà nhà nói về Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), vậy mà những người như chúng tôi chả hiểu nó là cái gì? tác động đến miếng cơm manh áo của chúng tôi ra sao? Chúng ta đang ở đâu đây (4.0 hay 0.4)? Và chúng tôi phải làm gì đây?
Một loạt câu hỏi dồn dập mà anh đã dành cho tôi. Tôi bỗng dưng giật mình! Trời, nhiều chuyện to tát được nói ra, tuyên truyền, nhưng những chuyện nhỏ và thiết thực như thế này lại có vẻ bị lãng quên? Còn những người nông dân, dân nghèo, học sinh thì sao đây? Chắc là còn “mù tịt” hơn doanh nhân kia chăng?
Từ giật mình, tôi bắt đầu lo và xấu hổ vì có thế mà không nghĩ ra và vì đã không giúp những đối tượng chịu thiệt thòi và dễ bị tổn thương (dễ mất việc) như doanh nhân nọ…
Đầu óc tôi bắt đầu xâu chuỗi các bài viết và dẫn dắt câu chuyện. Nói là cuộc cách mạng có vẻ to tát; thực ra đó là những làn sóng, trào lưu về việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất – kinh doanh và cuộc sống hàng ngày với mục đích làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo đó, CMCN lần thứ nhất có thể hiểu là từ năm 1784 khi động cơ hơi nước được phát minh, đã châm ngòi cho sự bùng nổ của ngành công nghiệp thế kỷ 19 lan rộng từ Anh đến châu Âu và Mỹ. CMCN lần thứ hai ra đời từ khoảng năm 1870 với sự xuất hiện của máy phát điện, tạo tiền đề cho nền sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn. CMCN lần thứ ba xuất hiện vào khoảng năm 1970, với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng điện tử, máy tính và internet để trao đổi, tự động hóa một số khâu trong sản xuất – kinh doanh.
CMCN lần thứ tư (gọi tắt là CN 4.0) hay nhà máy thông minh lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ công nghiệp Hannover tại Cộng hòa Liên bang Đức vào tháng 4 năm 2011. Sau đó đã vượt ra khỏi khuôn khổ công nghiệp của Đức với sự tham gia của nhiều nước và trở thành một làn sóng xây dựng chiến lược công nghiệp quốc gia (hay nhà máy thông minh, thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh… xét ở phạm vi hẹp hơn) tại Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Trung Quốc và Ấn Độ…v.v. Nó trở nên phổ biến hơn khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2016 đưa nội dung này vào chương trình nghị sự với sự dẫn dắt, truyền cảm hứng của đích thân ông Chủ tịch điều hành WEF – ông Klaus Schwab – cũng là tác giả của cuốn sách “CMCN lần thứ tư” được xuất bản ngay sau đó và dịch sang bốn thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt được phát hành ngay trước thềm Hội nghị WEF – ASEAN (11-13/9/2018) tại Hà Nội.
Anh hỏi tiếp? vậy có gì khác biệt so với 3 cuộc CMCN trước mà mọi người “sính” nói về nó thế? Tôi bảo: có bốn điểm khác biệt chính thế này.
Thứ nhất, CMCN 4.0 thực ra là dựa trên nền tảng của cuộc CMCN lần thứ ba, trong đó cốt lõi là phát triển công nghệ số hóa và khai thác dữ liệu số hóa trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội (trong đó bao hàm ba trụ cột chính là công nghệ vật lý, công nghệ số và công nghệ sinh học); để từ đó ứng dụng lan tỏa sang những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như nông nghiệp, y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, vận tải, xây dựng, bất động sản, năng lượng tái tạo …v.v.). Thứ hai, để làm được việc này, cần có sự kết nối, chia sẻ, đan xen của nhiều loại công nghệ khác nhau, kết nối giữa người, máy móc và internet vạn vật, giữa vật thực và ảo. Thứ ba, muốn phân tích hay dự báo được, chúng ta cần có cơ sở dữ liệu lớn, có thể chia sẻ cho nhau và an toàn, bảo mật tốt hơn. Cuối cùng, tác động của nó rất nhanh, sâu và rộng đến mọi mặt của đời sống, mọi tầng lớp trong xã hội với tốc độ thay đổi chóng mặt giống như hình ảnh thông tin tốt hay xấu lan truyền trên các trang mạng xã hội (như facebook hay twitter chẳng hạn).
Anh bắt đầu tò mò nhưng vẫn chưa hiểu rõ, nên hỏi tôi ngay: “Ứng dụng cụ thể trong đời sống kinh tế, xã hội là như thế nào?“. Tôi dẫn chứng khá nhiều lĩnh vực đang và sẽ ứng dụng tiến bộ của cuộc CMCN 4.0 này như cửa cuốn được vận hành nhờ có cảm biển; các hãng môi giới vận tải Uber, Grab, FastGo ….dùng phần mềm để kết nối người có xe và hành khách; chuẩn đoán và đưa ra pháp đồ điều trị bệnh ung thư dùng trí tuệ nhân tạo; người máy làm lễ tân, chăm sóc người già; xe ô tô hoặc máy bay không người lái; dùng nền tảng AirBnb để đặt hoặc chia sẻ phòng khách sạn trực tuyến mỗi khi đi du lịch; dùng công nghệ soi mống mắt, khuôn mặt để nhận diện khách hàng; khai thác hệ thống cảm biến để theo dõi và điều tiết các thông số về nước, độ ẩm, không khí… trong sản xuất nông nghiệp; dùng mã phản ứng nhanh (QR code) trong thanh toán điện tử hay truy xuất nguốn gốc hàng hóa; điện toán đám mây để tạo ra các chương trình đào tạo mở, lớp học ảo; ứng dụng công nghệ in 3D trong xây dựng, thời trang, y tế (như dùng để in chuẩn xác các bộ phận cơ thể cần cấy ghép), dùng nền tảng công nghệ khối chuỗi sổ cái phân tán (blockchain) truy tìm xuất xứ hàng hóa nông sản, để thu thuế hay giao dịch thanh toán, mua-bán chứng khoán…v.v.
Đến đây, anh thấy thực sự hữu ích với việc ứng dụng công nghệ số có thể giúp giảm chi phí, giá thành; tăng năng suất lao động (vì người máy làm nhanh hơn, chính xác hơn); hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đối tác mới, có cơ hội kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ; tham gia chuỗi giá trị với nhiều doanh nghiệp khác nhau (do thông tin, cơ hội làm ăn được chia sẻ); kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhờ ứng dụng công nghệ giám sát…v.v. Tuy nhiên, anh lo nhất là liệu mình có mất việc làm, có bị thay thế bởi người máy hay không?
Tôi nhấn mạnh đúng là có một số vị trí việc làm với tính chất công việc lặp đi, lặp lại, đơn giản (như lao công, văn thư, lễ tân, kế toán, kiểm toán, quản trị, văn phòng, lái xe…) có thể bị thay thế bằng người máy hay tự động hóa. Tuy nhiên, có những công việc vẫn đòi hỏi bàn tay, trí óc con người như tư vấn, phân tích và dự báo, nghệ thuật, truyền thông, công nghệ thông tin, quản trị – điều hành, chuyên gia tâm lý, thương mại điện tử, phát triển các sản phẩm – dịch vụ trên nền tảng công nghệ số…v.v. Đồng thời, hàng loạt cộng việc mới sẽ ra đời; những công việc này gắn nhiều hơn với công nghệ, dữ liệu, với hàm lượng chất xám cao hơn, đòi hỏi trình độ, kỹ năng cao hơn.
Nhưng liệu Việt Nam đã sẵn sàng lên con tàu 4.0 này chưa? Anh hỏi. Tôi giải thích rằng Việt Nam tự đánh giá mình thì có vẻ đã sẵn sàng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017, Việt Nam đang ở mức thấp về các yếu tố đổi mới sáng tạo công nghệ và giáo dục. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 90/100 về Công nghệ và Đổi mới; xếp thứ 92/100 về Công nghệ nền; xếp thứ 77/100 về Năng lực sáng tạo; xếp hạng 70/100 về Nguồn nhân lực. Tổng cộng, Việt Nam chỉ đạt 4,9 trên thang điểm 10 về mức độ sẵn sàng với CMCN 4.0. Rõ ràng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm!
Với doanh nghiệp, để không mất việc, mỗi lãnh đạo, nhân viên cần nỗ lực để học hỏi, vươn lên làm chủ công nghệ, làm được những việc khó hơn, tinh vi hơn; doanh nghiệp cũng cần quen hơn với việc thay đổi mô hình kinh doanh, mô thức quản trị, phương thức đầu tư công nghệ, quản lý rủi ro (nhất là về công nghệ thông tin), xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; và quan trọng là khả năng thích ứng với nền kinh tế số, chính quyền điện tử, doanh nghiệp số.
Với người dân, cũng không nên hốt hoảng về xu thế này mà hãy bình tâm tiếp cận những thành quả công nghệ, ứng dụng nó vào công việc, cuộc sống hàng ngày như lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, tưới tiêu, nghề truyền thống, kinh doanh nhỏ, thanh toán bằng điện thoại di động hay cập nhật, chia sẻ thông tin…v.v.
Đến đây, tôi nhớ lại câu nói của Chủ tịch điều hành WEF – ông Klaus Schwab – năm 2016 rằng trong thời đại ngày nay, không phải là cá lớn nuốt cá bé mà là cá bơi nhanh sẽ nuốt cá bơi chậm!