Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể theo TS Lương Hoài Nam

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể theo TS Lương Hoài Nam

TS Lương Hoài Nam vừa gửi văn bản đến Bộ Giáo dục và Đào tạo góp ý cho dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”. Theo đó, ông Nam cho rằng cần đặt ra một số mục tiêu đổi mới giáo dục cụ thể đủ lớn và có tính khả thi, làm sao để tất cả cơ quan nhà nước, toàn ngành giáo dục và đông đảo tầng lớn nhân dân, học sinh thông hiểu và chia sẻ đây là một việc quan trọng, thiết thực, đáng làm, phải làm, không làm không được.

mo-hinh-hoc-tap-theo-chuan-quoc-te

TS Nam nhận thấy, hiện nay có sự mâu thuẫn phổ biến trước các đề án đổi mới. Một mặt, người dân không hài lòng với tình hình hiện tại, không ít người lên tiếng phê phán, chỉ trích. Nhưng mặt khác, họ lại thiếu niềm tin vào năng lực thay đổi, cải thiện tình hình của cơ quan quản lý chủ trì đề án. Không ít người cho rằng các đề án đổi mới chẳng qua chỉ là cách cơ quan quản lý “vẽ việc tiêu tiền”, vì lợi ích nhóm, còn kết quả, hiệu quả thu được thì đáng nghi ngờ. Mâu thuẫn này cũng đã và đang diễn ra đối với đề án đổi mới giáo dục Việt Nam.

“Cuối thế kỷ 19, khi người dân Nhật Bản đồng thuận với chủ trương đổi mới giáo dục của Hoàng đế Minh Trị theo tinh thần của Fukuzawa, họ đã không ngần ngại bỏ tiền của gia đình ra đóng góp xây trường, mời giáo viên nước ngoài sang Nhật Bản dạy cho con em. Nhờ sự chia sẻ, ủng hộ của người dân Nhật Bản, công cuộc đổi mới giáo dục thời Minh Trị đã thành công rực rỡ, biến Nhật Bản từ một quốc gia lệ thuộc thành cường quốc kinh tế, quân sự”, ông Nam dẫn chứng và khẳng định, có được sự ủng hộ của người dân thì đổi mới giáo dục ở Việt Nam mới thành công.

Cần giải quyết nhược điểm của ‘người Việt Nam điển hình’

Theo TS Nam, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của lần đổi mới giáo dục này là giải quyết những yếu kém, nhược điểm của “con người Việt Nam điển hình” đã và đang cản trở khả năng phát triển của mỗi cá nhân và đất nước, để hình thành những thế hệ công dân Việt Nam có phẩm chất, năng lực, trình độ vượt bậc, có cơ hội phát triển và cuộc sống tốt hơn.

Những yếu kém, nhược điểm của “con người Việt Nam điển hình” gồm có: Hiểu biết luật pháp quốc gia và quốc tế hạn chế; Sống và làm việc cảm tính, duy tình hơn duy lý, dễ dãi, xuề xoà, tính kỷ luật thấp; Khả năng sáng tạo công nghệ và làm công nghiệp kém; Ngoại ngữ (tiếng Anh) yếu…

Phải ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế

TS Nam cũng cho rằng, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang thiếu tham chiếu và chưa ứng dụng “Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục” của UNESCO (“International Standard Classification of Education – ISCED”), làm cho Chương trình giáo dục phổ thông (dự thảo) chưa tương thích cao với các hệ thống giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Đây là một khiếm khuyết lớn.

Qua nghiên cứu ISCED và một số nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ, Phần Lan, Singapore…, TS Nam cho rằng ISCED là bộ tài liệu hướng dẫn, “bộ khung” vô cùng quan trọng cho việc xây dựng một hệ thống giáo dục quốc gia (hoặc đổi mới từ hệ thống giáo dục hiện tại). ISCED nêu rõ kết cấu các bậc học (6 bậc học theo ISCED 1997, 8 bậc học theo ISCED 2011), tiêu chuẩn đầu vào, mục tiêu đầu ra của mỗi bậc học, cách phân luồng học sinh trong các bậc học để học sinh phát huy tối đa tố chất, năng khiếu, nhu cầu hướng nghiệp của cá nhân. Thực tế là hệ thống giáo dục của nhiều nước tiên tiến tương thích rất cao với ISCED (cũng có thể ISCED được xây dựng trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của các nền giáo dục tiên tiến).

Nếu Bộ Giáo dục không lấy ISCED làm xuất phát điểm quan trọng cho việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, mà lại nghiên cứu ngay vào hệ thống giáo dục của các nước cụ thể thì khó có thể tạo ra được một hệ thống giáo dục khoa học, với các liên kết nội dung chặt chẽ trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Bởi vì từ một bộ khung tốt có thể xây nên các ngôi nhà khác nhau, nhưng khi thiết kế một ngôi nhà cần biết rõ bộ khung, sau đó mới đi vào thiết kế chi tiết.

“Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, sự tương thích về giáo dục một mặt giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mặt khác tạo các cơ hội liên thông giáo dục – đào tạo giữa nước ta và các nước khác, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh Việt Nam khi đi du học nước ngoài, vừa tăng cơ hội cung cấp dịch vụ giáo dục – đào tạo cho học sinh nước ngoài ở Việt Nam trong tương lai”, ông Nam nói.

Vấn đề thứ ba tiến sĩ Nam nhận thấy là kết cấu, mô hình hệ thống giáo dục thiếu rõ ràng; yếu tố phân luồng, phương pháp phân luồng giáo dục còn mờ nhạt. Dẫn chứng dự thảo có nêu các môn học cho từng cấp, tuy nhiên lại không vẽ ra được sơ đồ tổ chức và phân luồng giáo dục theo Chương trình mới (dạng mà có thể dễ dàng tìm được với các nền giáo dục tiên tiến): Đồng thời, ông cũng không tìm thấy chủ trương, phương pháp phân luồng giáo dục ngay từ cấp Trung học cơ sở theo khuyến cáo của ISCED và được áp dụng tại rất nhiều nước.

Đề xuất cấp tiểu học 6 năm

Từ những phân tích trên, TS Nam đề xuất sơ đồ tổ chức và phân luồng giáo dục tương thích với ISCED 2011 như sau:

Ông Nam đề nghị cấp Tiểu học có độ dài 6 năm (tăng một năm so với dự thảo Chương trình của Bộ Giáo dục) để học sinh trưởng thành hơn về trí tuệ và thể lực, bộc lộ được các tố chất, năng khiếu cá nhân, sẵn sàng hơn cho việc chọn luồng ở Trung học cơ sở. Rất nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới cũng có độ dài Tiểu học 6 năm như Anh, Mỹ, Australia, Đức, Phần Lan, Singapore…

Cấp Trung học cơ sở có độ dài 3 năm (giảm một năm so với dự thảo), chia ra hai luồng Lý thuyết/Hàn lâm và Kỹ thuật/Ứng dụng. Giữa hai luồng này có sự liên thông (có bước kiểm tra, đánh giá) để học sinh có thể chuyển từ luồng này sang luồng khác do nhu cầu, nguyện vọng cá nhân trong quá trình học.

Cấp Trung học phổ thông có độ dài 3 năm (như dự thảo), chia làm ba luồng Lý thuyết/Hàn lâm, Kỹ thuật/Ứng dụng và Học nghề (dành cho những học sinh không đạt điều kiện, hoặc không có nhu cầu học lên tiếp).

TS Nam đề nghị bổ sung cấp Dự bị Đại học (ở các nước khác gọi là A-Level School, Junior College…) tương thích với ISCED 5, với độ dài 2 năm; đổi mới chương trình giáo dục đại học (ISCED 6), trong đó giảm thời gian học các môn đại cương mà học sinh đã học ở Dự bị Đại học. Thời gian học Đại học còn 3-4 năm (tùy trường, ngành học).

Sau khi học sinh kết thúc Trung học phổ thông, học sinh sẽ thi tốt nghiệp phổ thông và căn cứ vào kết quả của kỳ thi này để phân luồng học sinh vào các trường Dự bị đại học, cao đẳng. Số học sinh không đủ điều kiện vào các trường này sẽ quay lại học Trung cấp, hoặc ra thẳng thị trường lao động.

Sau khi học sinh học 2 năm Dự bị Đại học thì tổ chức kỳ thi đại học để chọn học sinh đạt tiêu chuẩn vào các trường đại học. Các học sinh không đạt điều kiện sẽ chuyển sang các luồng khác (hoặc ra thẳng thị trường lao động với các cơ hội tuyển dụng hạn chế; phần lớn số học sinh này sẽ học thêm một chương trình đào tạo bổ sung).

Bên cạnh các trường áp dụng chương trình giáo dục phổ thông chính quy, ông Nam đề nghị bổ sung vào hệ thống giáo dục phổ thông tổng thể các trường thực nghiệm, các trường năng khiếu, các trường giáo dục đặc biệt. Các trường này là những bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục phổ thông tổng thể, mặc dù họ áp dụng chương trình giáo dục riêng. Đặc biệt, cần đề cao vai trò và tạo điều kiện cho hệ thống các trường thực nghiệm của các nhà/tổ chức giáo dục có uy tín phát triển mạnh mẽ và tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường giáo dục phổ thông, qua đó nâng cao chất lượng của cả hệ thống chính quy và hệ thống thực nghiệm.

Đề xuất giảm số lượng môn học bắt buộc

Về chương trình giáo dục phổ thông (dự thảo), TS Nam đánh giá là còn nặng, cách tiếp cận đối với các môn học bắt buộc và tự chọn chưa hợp lý. Số lượng các môn học bắt buộc quá nhiều so với các hệ thống giáo dục tiên tiến. Ở các cấp Trung học của Anh, Mỹ, Đức…, tổng số môn học của học sinh chỉ 6-8 môn, trong đó khoảng một nửa là các môn bắt buộc, một nửa là tự chọn. Ví dụ, tại Singapore, ở cấp Trung học cơ sở theo luồng Lý thuyết/Hàn lâm, học sinh học 6-8 môn, với 3 môn bắt buộc là Toán, Tiếng Anh, Tiếng mẹ đẻ; theo luồng Kỹ thuật/Ứng dụng, học sinh học 5-7 môn, với 4 môn bắt buộc là Toán, Tiếng Anh, Tiếng mẹ đẻ, Tin học.

Theo ông, cơ quan quản lý cần xác định các môn học tối thiểu học sinh cần phải học khi chọn đi theo một luồng giáo dục cụ thể (để hình thành con người toàn diện, cho dù học sinh có năng khiếu, thế mạnh về các môn học đó hay không), còn học sinh tự chọn thêm cho mình các môn học có năng khiếu, thế mạnh, có nhu cầu theo đuổi mang tính hướng nghiệp. Nhà trường chỉ nên tập trung dạy cho mỗi học sinh biết thật tốt một số thứ, đồng thời dạy cho học sinh phương pháp tự học để có thể học những thứ khác không nằm trong chương trình học.

“Theo tôi, các môn học bắt buộc ở hai cấp Trung học không nên quá 5 môn, tổng số môn học Trung học không quá 8 môn, để dạy và học thật sâu”, ông góp ý.

Thông qua việc chọn Tiếng Anh là môn học bắt buộc ở cả ba cấp học, đồng thời thực hiện việc dạy và học một số môn học ở cấp Trung học bằng tiếng Anh, ông Nam đề nghị đặt mục tiêu biến Việt Nam thành một nước có mặt bằng trình độ tiếng Anh cao thứ hai trong khu vực ASEAN (chỉ thua Singapore).

TS Nam cũng đề nghị tách lĩnh vực giáo dục “Công nghệ – Tin học” thành hai lĩnh vực giáo dục độc lập là “Sáng tạo Công nghệ” (hoặc “Thiết kế và chế tạo”) và “Tin học”; bổ sung lĩnh vực giáo dục “Các hoạt động giáo dục ngoại khóa/ngoài lớp học”.