Câu chuyện về cậu bé nghèo và cách ứng xử của Forrest Gump

Chắc hẳn chúng ta đã xem hoặc biết nội dung phim Forrest Gump? Câu chuyện dưới đây sẽ giúp các em học sinh và các vị phụ huynh có cái nhìn khác về cuộc sống để giúp các em học sinh tự tin bước vào đời

cau-chuyen-ve-cau-be-ngheo-va-cach-ung-xu-cua-forrest-gump

Câu chuyện về cậu bé nghèo và cách ứng xử của Forrest Gump

Cậu bé nghèo và ứng xử Forrest Gump khi làm việc tốt nhưng bị khinh rẻ, khiến mọi người xung quanh ngỡ ngàng, một câu chuyện vô cùng ý nghĩa cho các bậc phụ huynh suy ngẫm.

Nhiều đứa trẻ sinh ra đã được cha mẹ bao bọc và có lẽ chỉ luôn nghĩ cho bản thân, nếu có ai đó làm chúng không hài lòng, chúng sẽ phản ứng lại bằng thái độ tiêu cực. Tuy nhiên câu chuyện dưới đây sẽ là bài học quý giá cho các bậc phụ huynh khi giáo dục con trẻ. Câu chuyện này đã được nhiều bà mẹ chia sẻ trên mạng xã hội vì họ thấy rất tâm đắc.

Xe buýt sáng nào vào giờ tầm cũng chật cứng người. Một buổi sớm nọ có hai người lên xe buýt, nhìn quần áo cũng biết họ là người không mấy dư giả gì, đó là một đứa trẻ nhỏ và người đàn ông đứng tuổi. Đứa trẻ quần áo lấm lem nhìn là biết không có bàn tay chăm sóc của mẹ cha. Tay nó cầm một chiếc túi. Người đàn ông đứng còn đứa bé ngồi vì trên xe buýt còn đúng một chiếc ghế trống.

Lúc sau xe buýt dừng lại đón khách, đó là một phụ nữ đang mang bầu. Đứa bé đứng lên và nói lễ phép: “Con mời cô ngồi ạ”.

Người phụ nữ mang bầu nhìn thấy đứa trẻ lấm lem nhếch nhác, không nói gì và tỏ vẻ không hài lòng. Đứa trẻ biết ý đặt chiếc túi xuống và lấy mẩu giấy lau sạch chỗ nó vừa ngồi. Rồi nó cười thật tươi và bảo: “Cô à con đã lau ghế sạch rồi cô ngồi xuống đi ạ”.

Lúc ấy mọi người trên xe buýt đều quay ra nhìn người phụ nữ “khó tính” đó, khiến cô đỏ mặt nhưng vẫn không nói gì và ngồi xuống chiếc ghế đứa bé vừa nhường cho.

Đứa trẻ lại nhặt chiếc túi lên, đúng lúc xe phanh gấp, khiến nó bổ nhào ra trước tý ngã, may thay nó trụ lại được và bàn tay vẫn nắm chặt chiếc túi bí ẩn.

Một người phụ nữ đứng cạnh đứa trẻ nói với nó: “Con là một cậu bé ngoan”.

Đứa bé mỉm cười hồn nhiên: “Con cũng không phải là đứa trẻ ngoan lắm đâu ạ. Mẹ luôn mắng con vì lúc nào cũng để ý xem người ta nói gì, nghĩ gì về mình. Nhưng giờ con đã dũng cảm hơn, như Forest Gump ý ạ!”.

Nghe câu nói hồn nhiên của đứa trẻ, người phụ nữ mang bầu cúi gằm mặt xuống.

Người phụ nữ ngạc nhiên và hỏi: “Con cũng biết nhân vật Forest Gump à?”

“Vâng ạ, mẹ cho con xem”

“Ồ, vậy Forest Gump dạy con bài học gì?”

“Đừng bao giờ để ý xem người ta nghĩ gì về mình, hãy cứ sống thật tốt và đừng thay đổi. Ai cũng có cá tính của mình…”

“Mẹ con làm nghề gì?”

“Mẹ con trước dạy trong làng ạ”

“Thế bây giờ mẹ con làm gì?”

Cậu bé mắt chợt đỏ hoe “Mẹ giờ đang ở trong chiếc túi này!”

Người phụ nữ lặng người, ai ai trên xe buýt cũng vậy. Rồi người đàn ông đồng hành cùng cậu bé đứng lên giải thích về hoàn cảnh của đứa trẻ.

Ông là bác đứa bé, cha cậu đã mất vài năm trước vì bạo bệnh, còn mỗi hai mẹ con nương tựa vào nhau. Mẹ cậu bé là giáo viên trong làng, mọi người ai ai cũng yêu quý hai mẹ con. Đồng lương giáo viên còi cọc không đủ nuôi con tươm tất nên người mẹ đã làm thêm vào dịp hè. Cô lên thành phố làm công nhân. Thật không may trong lúc đang ở công trường, cô bị một thanh sắt từ trên cao rơi trúng và qua đời. Hai người vừa lên thành phố đón di hài của người mẹ để hóa táng và mang về quê chôn cất.

Người phụ nữ hỏi trong hai hàng nước mắt vì thương cảm: “Con vẫn đang đọc truyện Forest Gump chứ?”

Người đàn ông gật nhẹ còn đứa trẻ nói: “Mấy hôm nay ngày nào con cũng tới hiệu sách gần công trường để đọc ạ…”

Khi ấy rất nhiều người trên xe buýt nói nhà họ có nhiều truyện và sẵn lòng cho cậu bé mượn, đứa bé mỉm cười…

“Đừng bao giờ để ý xem người ta nghĩ gì về mình, hãy cứ sống thật tốt và đừng thay đổi. Ai cũng có cá tính của mình…”

Đó là câu nói đứa bé nghèo khổ và kém may mắn vì mất cả cha lẫn mẹ đã thấm nhuần trong tâm trí. Dù cậu bé có thuộc tầng lớp nghèo hèn trong xã hội nhưng mẹ cậu lại vô cùng thấu hiểu đạo lý. Chắc chắn rằng sau này cậu bé sẽ luôn là người tốt và kiên trì với những ước mơ hay dự định của mình, cho dù nghèo hèn hay giàu sang. Nhiều đứa trẻ có thể cảm thấy xấu hổ vì gia cảnh của bản thân hay thua bạn kém bè, nhưng những người mẹ tuyệt vời sẽ dạy con tự tin vào bản và làm một người tốt, bất kể người ta nói gì về mình. Cậu bé nghèo ăn mặc nhếch nhác trên xe buýt luôn lạc quan, yêu đời và đối xử tốt với mọi người dù có lúc bị khinh rẻ.

Đã từng có nhiều cô bé khi đi học mẫu giáo được mẹ mua cho đôi giày, tới lớp bị bạn chê cười, về tới nhà liền quẳng đôi giày đó đi.

Có cậu bé đam mê hội họa và vẽ rất nhiều, chỉ vì có một người khách tới nhà chê tác phẩm nào đó mà về sau cậu không còn cầm bút vẽ vì tự ti vào bản thân và bực tức với vị khách kia.

Một học sinh phổ thông có mái tóc mới, tới trường bạn cùng lớp chê nhìn xấu và ngố quá, cô bé cảm thấy xấu hổ và mất mặt trước bạn bè, liền chạy ra ban công và nhảy xuống dưới….

Liệu chúng ta có nên để con trẻ ứng xử như vậy? Hàng ngày khi đi học, chơi với bạn bè, ra đường có biết bao người chê bai, trách móc hay cười nhạo, nếu cứ để ý từng li từng tý như thế thì làm sao sống nổi? Làm sao thành công?
Trẻ nhỏ khi mới chào đời rất vô tư và hồn nhiên, chúng làm mọi điều tùy thích. Tuy nhiên theo thời gian chúng lớn dần và bắt đầu để ý tới nhận xét của những người xung quanh, rồi sản sinh ra mọi tâm tư tiêu cực nếu không được khen ngợi.

Hãy để con trẻ phát triển tự nhiên và tự tin vào bản thân, giáo dục trẻ có tấm lòng nhân hậu và bao dung với mọi người, kiên định với những gì mình đã hoạch định. Mỗi đứa trẻ là một cá tính, không ai giống ai, đừng bắt con trẻ trở thành bản sao của bất kỳ ai.