Ngày 7-6-2018, các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội đã trải qua 240 phút căng thẳng, với hai môn thi Ngữ Văn và Toán. Đánh giá đề thi của hai môn này, các giáo viên giàu kinh nghiệm cho rằng, đây đều là những “phom” quen thuộc từ những năm trước, không có yếu tố đột phá như đề thi phân loại ở TP.HCM.
Ngày 7-6-2018, trao đổi với PV Báo ANTĐ, các giáo viên giàu kinh nghiệm của Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, đề thi của hai môn Ngữ văn và Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018 của Hà Nội không có sự đột phá, mà vẫn mang cấu trúc như các năm trước.
Hai đề thi Toán – Văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018 tại Hà Nội không có tính đột phá
Cụ thể, với môn Toán, cách ra đề thi năm nay có cấu trúc tương tự đề thi năm 2017, tức là vẫn gồm 5 bài toán lớn, mỗi bài gồm nhiều câu hỏi nhỏ, được sắp xếp theo thứ tự tăng dần độ khó. Xét về tổng thể kiến thức, đề thi có khoảng 85% câu hỏi thuộc phần kiến thức cơ bản, 15% câu hỏi vận dụng ở mức độ khó, có tính phân loại như câu I.3, câu III.2b, câu IV.4, câu V, đòi hỏi các thí sinh cần có kỹ năng tính toán, tư duy và lập luận toán học tốt.
Ở câu I, đây là câu hỏi ở mức độ trung bình, thuộc chuyên đề Căn bậc hai, căn bậc ba trong chương trình Toán 9, dạng toán Rút gọn biểu thức chứa căn và các câu hỏi phụ, học sinh đã chú trọng ôn luyện dạng toán này ngay từ đầu học kỳ I.
Câu II có mức độ dễ, thuộc chuyên đề Giải bài toán bằng cách lập phương trình hoặc hệ phương trình, bài toán có yếu tố hình học. Đây là một trong những dạng toán điển hình trong chương trình Toán THCS. Để hoàn thành tốt câu hỏi này, các thí sinh cần lưu ý tới điều kiện xác định cho ẩn đã đặt, có sử dụng định lý Pytago trong tam giác vuông.
Câu III là sự kết hợp giữa dạng toán Giải hệ phương trình và dạng toán về Sự tương giao giữa các đồ thị, tương tự như đề thi năm 2017. Ở ý hỏi III.2b, học sinh cần giải quyết hai vấn đề, trong đó tìm m sao cho các hoành độ là các số nguyên có thể làm học sinh lúng túng do cách hỏi “lạ” hơn so với đề năm 2017.
Câu IV thuộc chủ đề Hình học – một câu hỏi hết sức quen thuộc với các thí sinh, chiếm 35% số điểm trong bài thi. Ý IV.d là ý hỏi thách thức, cần có kỹ năng xử lý linh hoạt các phép chứng minh và quan sát hình học cao. Do đó, dự đoán, đại đa số các em đều bỏ qua câu d bài toán này.
Câu V thuộc chuyên đề Bất đẳng thức và cực trị, dạng toán Tìm giá trị nhỏ nhất của biểu thức. Đây là chuyên đề vốn đã làm các em học sinh lúng túng trong quá trình học cũng như ôn luyện. Do đó, tương tự như ý d câu IV, nhiều thí sinh sẽ bỏ qua và khó đạt được điểm 10.
“Nhìn chung, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 TP Hà Nội năm 2018 – 2019 không có sự đột phá trong cách thức ra đề thi so với các năm trước. Trong khi, tính độc đáo gắn liền với thực tiễn là nét phổ quát của đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố Hồ Chí Minh thì tính ổn định lâu dài, nặng về kiểm tra kiến thức Toán học của đề Hà Nội lại là yếu tố ít gây được sự ấn tượng với dư luận. Vì thế, với đề thi này, những học sinh có thói quen luyện tập thường xuyên hoàn toàn có thể đạt được điểm số cao”, đại diện Tổ Toán của Hệ thống giáo dục HOCMAI bày tỏ.
Các thí sinh năm nay phải cạnh tranh khốc liệt hơn, vì số lượng học sinh dự thi quá đông
Trong khi đó, đối với môn Ngữ Văn, đề thi năm nay vẫn giữ nguyên cấu trúc nội dung cũng như cách phân bố điểm cho từng phần như đề thi năm 2017. Mỗi phần đều có sự tích hợp giữa kiến thức của tác phẩm Văn học, Tiếng Việt và Tập làm văn.
Cụ thể, đề thi năm nay mặc dù không có yêu cầu chép thuộc văn bản nhưng vẫn có câu hỏi (câu 1) yêu cầu học sinh phải tái hiện kiến thức. Câu 2 hỏi về trường từ vựng, biện pháp tu từ đều là những kiến thức rất quen thuộc với các thí sinh. Câu 3 yêu cầu các em phải nhớ kiến thức của chương trình Ngữ văn 8 với bài thơ “Rằm tháng giêng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Câu 4 là câu có điểm số cao nhất của cả bài thi thuộc phần nghị luận văn học. Các thí sinh cần viết đoạn văn theo mô hình diễn dịch để phân tích hình ảnh người lao động trong khổ thứ 6 của bài thơ. Để đạt điểm tối đa của câu hỏi này, các thí sinh không chỉ phải phân tích kĩ càng nội dung đoạn thơ, mà cần thực hiện đúng các yêu cầu phụ về hình thức đoạn văn và các yêu cầu Tiếng Việt đi kèm.
Phần II hỏi về tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của tác giả Nguyễn Dữ. Câu hỏi giải thích từ “tiên nhân” có thể sẽ gây khó khăn cho thí sinh nếu không đọc kĩ văn bản. Câu nghị luận xã hội của đề yêu cầu bàn về vai trò của gia đình. Đây là chủ đề rất quen thuộc với các thí sinh nên nhiều bạn sẽ làm tốt câu hỏi này.