Đề thi của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM được đánh giá là mở, đúng như thông báo của Sở GD-ĐT TP.HCM hồi đầu năm học.
Nhưng từ đó cũng có nhiều băn khoăn: đề mở, liệu đáp án có mở?
Đề mở
Nhận định về đề thi môn văn, cô Hà Thị Thu Thủy – tổ phó tổ văn Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh – cho biết: “Tất cả câu hỏi đều ra theo hướng mở.
Câu I (đọc – hiểu) cho một văn bản ngoài sách giáo khoa nói về rác thải cùng những câu hỏi nhằm giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường. Câu II (nghị luận xã hội) có nội dung: Để thể hiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái (che chở, bao bọc, chia sẻ, gắn bó, bình đẳng, độc lập)”.
Theo cô Thủy: “Đây là một câu hỏi rất thiết thực vì tâm lý học sinh và phụ huynh ngày nay đang ẩn chứa nhiều mâu thuẫn. Học sinh viết về chủ đề này cũng là cơ hội các em tự nhìn lại mình để cải thiện mối quan hệ với cha mẹ.
Câu hỏi này mở ở chỗ: thí sinh có thể chọn hình số 1 (che chở, bao bọc) hoặc hình số 2 (chia sẻ, gắn bó) hoặc hình số 3 (bình đẳng, độc lập) để viết. Miễn là cách lập luận thuyết phục, có sự liên hệ với bản thân…”.
Tương tự, cô Vương Thị Minh Xuân – giáo viên môn văn, phó hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng, quận 5 – cho rằng: câu III (nghị luận văn học) có 2 lựa chọn nhưng đều là câu hỏi mở.
Trong đó, đề 1 cho ra 2 đoạn thơ của tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật với yêu cầu: “Cảm nhận của em về hình ảnh người lính trong hai khổ thơ trên. Ở đề này, thí sinh có thể liên hệ với tác phẩm Đồng chí, Những ngôi sao xa xôi…”.
Cô Xuân nhận định: “Đề 2 của câu III có lẽ dành cho học sinh giỏi, bởi câu hỏi rất mở: Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, em hãy viết bài văn với nhan đề Những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”.
Và những băn khoăn
“Em thích nhất phần nghị luận xã hội vì được viết về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Nó sát với cuộc sống của em. Tuy nhiên với đề bài mở và có chút trừu tượng như vậy, em rất lo lắng, không biết thầy cô sẽ chấm như thế nào” – thí sinh Lê Hải Yến đến từ Trường THCS Colette (quận 3) cho biết.
Sự lo lắng trên không phải là cá biệt. T.M., học sinh ở quận 5, rụt rè nói: “Em đã chọn đề 2 của câu III trong khi đa số các bạn lớp em chọn đề 1. Tác phẩm mà em chọn không nằm trong sách giáo khoa. Không biết giám khảo có đồng cảm với em không”.
Trong khi đó, cô Phạm Thị Bích Hường – giáo viên bộ môn văn Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) – lại phân tích: “Nhìn chung đề văn năm nay vừa tầm với các em học sinh.
Tuy nhiên, tôi khá băn khoăn, trăn trở với câu II nghị luận xã hội. Tôi thấy câu này rất hay, gần với cuộc sống của các em, các em có thể đối chiếu, so sánh với thực tế và đưa ra quan điểm của mình.
Đồng thời, tôi tự hỏi đáp án của sở và người chấm sẽ đứng trên phương diện nào? Mối quan hệ gia đình khá đa dạng, phức tạp, có phần riêng tư và nhạy cảm.
Có khả năng các em đó sẽ bùng nổ cảm xúc, xem bài viết là một kênh giãi bày ẩn ức với ngôn từ nông nổi, có các yếu tố tiêu cực vào trong bài làm thì lúc đó người chấm sẽ nhìn nhận bài viết của các em như thế nào?”.
Cô Hường cho rằng: “Học sinh bây giờ có cá tính lắm, sẵn sàng nêu quan điểm của mình dù là trái chiều. Sau khi thi, một em học sinh gọi điện nói với tôi, em cảm thấy mối quan hệ của mình với cha mẹ có sự đối lập và em đã đưa cái riêng đó vào bài làm”.
Cô Phạm Thị Bích Hường đề nghị: “Tôi hi vọng các thầy cô chấm bài sẽ chấm trên tinh thần khách quan và linh hoạt, nhìn nhận thực tế, ý kiến của các em dù cá nhân như thế nào cũng là một phần của xã hội”.