Nhiều phụ huynh không khỏi bất ngờ khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10.
Theo Quyết định số 724/QĐ-UBND, ngày 29/3/2018 của UBND tỉnh do Phó Chủ tịch Vũ Việt Văn ký, năm học 2018-2019 sẽ thay đổi phương thức thi tuyển sinh vào lớp 10. Theo đó, học sinh sẽ làm 3 bài thi, gồm môn Toán, Văn và bài thi tổ hợp (từ 7 môn học, gồm tiếng Anh và một trong 2 tổ hợp Xã hội hoặc Tự nhiên).
Chỉ còn hơn 60 ngày, hơn 10.000 học sinh lớp 9 sẽ thi tuyển vào lớp 10, từ ngày 5 đến 9/6/2018. Trong lúc Sở GD-ĐT chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi tuyển sinh chính thức, nhiều người thêm hoang mang và lo lắng.
“Đánh giá năng lực” hay vẫn là “đánh giá kiến thức”?
Theo Tờ trình số 37/ TTr-SGDĐT của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, phương thức thi vào 10 THPT năm học 2018-2019 nêu mục đích nhằm “giúp học sinh phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, chấn chỉnh tình trạng dạy và học lệch, theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đề ra” và được UBND tỉnh phê duyệt.
Học sinh thi vào lớp 10 không chuyên phải làm 3 bài thi với 9 môn (Toán – Văn và tổ hợp 7 môn). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phương án thi tuyển vào lớp 10, mục tiêu “chú trọng vào năng lực, phẩm chất học trò” đã chuyển sang đánh giá về kiến thức.
Năm học 2017-2018, một số tỉnh thành đã đổi mới phương thức thi phù hợp với tình hình thực tế và mỗi tỉnh chọn môn thi, bài thi khác nhau. Rất ít địa phương (Hải Phòng, Hưng Yên, Nghệ An, Ninh Bình) đã chọn thi 3 bài, Ngữ văn, Toán và bài thi tổ hợp của 7 môn còn lại. Vĩnh Phúc năm 2018-2019 có thể lại mắc lỗi như Hải Phòng (Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng phải nhận khuyết điểm trước HĐND trong phiên chất vấn ngày 12/7/2017) và buộc phải sửa sai trong năm học 2018-2019. Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành – Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng đã nhấn mạnh: “Việc tổ chức thi 7 môn đã gây áp lực cho học sinh, tốn kém tiền ngân sách, thời gian tổ chức chậm hơn so với 2 môn như năm trước…, đề nghị cần làm rõ cho cử tri biết có thí điểm thi tiếp như vậy nữa không?” [1] .
Trong khi Bộ GD-ĐT quyết tâm thực hiện giảm áp lực thi cử và học tập của học sinh (Công văn 4612 ngày 1/10/2017) [2]; trong khi nhiều tỉnh thành nước ta chọn hình thức thi tuyển sinh đầu cấp linh hoạt và không thay đổi theo Thông tư 11/2014 của Bộ GD-ĐT từ năm 2014 [3]thì Vĩnh Phúc và một số tỉnh lại chọn phương thức thi tuyển 9 môn nặng nề và tốn kém đi ngược với mục tiêu giảm tải?
Với khoảng 70% học sinh lớp 9 Vĩnh Phúc được học tiếp chương trình THPT, cuộc thi tuyển vào lớp 10 còn gay gắt và căng thẳng hơn cả thi tuyển vào các trường đại học. Không ít phụ huynh phải bỏ tiền cho con ôn luyện nhiều ngày, thậm chí tìm “cửa” để “chạy trường”.
Kỳ thi tuyển sinh vào 10 THPT, dù thi 2 hay 9 môn, dù bằng hình thức nào, thực chất là để phân luồng học sinh. Gần 100% học sinh tốt nghiệp lớp 9 và đều đủ điều kiện dự thi nhưng cũng chỉ được phép tuyển không quá 70 % vào lớp 10. Số 30% còn hoặc học bổ túc (Giáo dục thường xuyên hoặc học trường nghề) hoặc không học tiếp.
Như vậy, dù thi bao nhiêu môn, bao nhiêu phút, hệ số điểm thế nào thì cuối cùng trường nào cũng chỉ chọn đủ chỉ tiêu phê chuẩn. Nếu phải tổ chức vì lo các trường THPT tổ chức coi thi dễ dãi là đổ trách nhiệm cho cấp trường. Bởi kỳ thi nào cũng đủ thành phần thanh tra, coi thi chéo và phòng nào cũng đủ máy ghi hình và đúng quy chế. Mặt khác, học sinh của họ chọn, chất lượng và sự sống còn của nhà trường đều do họ quyết định.
Chọn phương án thi nhiều môn để giải quyết việc dồn ép chương trình, bỏ môn hay học trò học lệch, chỉ học môn thi vào 10 thì chẳng khác gì, cấp trên thừa nhận sự vô dụng của bộ máy quản lý, và hệ thống chuyên viên thanh tra, giám sát! Nếu muốn làm ra nhẽ, cấp trên chỉ cần thu vở của một số lớp, kiểm tra công khai, nghiêm túc sẽ biết ai cắt xén, ai bỏ môn, sẽ biết học sinh được học thế nào, giáo viên dạy thế nào?
Việc học sinh học lệch rõ ràng không phải lỗi của các em, không phải lỗi của thầy cô và gia đình học sinh. Cần phải làm rõ hay không việc các trường cắt xén, dồn ép chương trình, chạy đua thành tích. Học thêm, học chuyên đề tại trường nếu thi 9 môn sẽ lại dữ dội hơn nhiều so với 3 môn.
Có vị lãnh đạo an ủi đồng nghiệp: “trắc nghiệm, có khó gì; thế học sinh mới phát triển toàn diện; mọi người yên tâm”. Nhưng nhân dân và học sinh 14 tuổi và cả thầy cô không thể yên tâm được!
Thế là, những cố gắng xóa bỏ vấn nạn dạy thêm, học thêm vừa qua thành mây khói! Vấn đề thi 9 môn để nhắm đến giáo dục học sinh toàn diện, học toàn diện lại càng xa vời thực tế. Không ai mơ hồ để tin rằng, chất lượng học sinh phụ thuộc và tỉ lệ thuận với số lượng môn thi vào lớp 10!