Bắc Ninh – nơi hội tụ của Long mạch. Mặc dù ko đẹp bằng Thủ đô Hà Nội nhưng Bắc Ninh cũng là một trong những nơi hội tụ long mạch và nơi sinh ra rất nhiều nhân tài cũng như quân vương cho đất nước.
Kinh Bắc xưa – Bắc Ninh nay – nơi “Một đống ông Nghè, một bè Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”, nơi khởi nguồn Thủy tổ Việt Nam với lăng mộ Kinh Dương Vương còn đó, nơi Thành cổ Luy Lâu với các di tích dinh thự, phố chợ, đền đài, chùa tháp nguy nga của một trung tâm chính trị, kinh tế thương mại, Phật giáo và Nho giáo lớn nhất nước trong thiên niên kỷ đầu công nguyên, nơi chàng trai thiếu cha sinh ra dưới cửa chùa đã trở thành ông vua khai sáng một triều đại huy hoàng: Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn – Người xác lập vị trí định đô muôn đời cho Đại Việt.
Bắc Ninh có gì đặc biệt?
Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, thuộc đồng bằng sông Hồng và nằm trên Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Bắc Ninh tiếp giáp với vùng trung du Bắc bộ tại tỉnh Bắc Giang. Thành phố Bắc Ninh nằm cách trung tâm Hà Nội 30 km về phía đông bắc. Tỉnh Bắc Ninh phía tây và tây nam giáp thủ đô Hà Nội, phía bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía đông và đông nam giáp tỉnh Hải Dương, phía nam giáp tỉnh Hưng Yên. Trong quy hoạch xây dựng, tỉnh này thuộc vùng Thủ đô. Ngoài ra, Bắc Ninh còn nằm trên 2 hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Trong cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí”, nhà sử học Phan Huy Chú đã ghi nhận về địa thế núi sông hùng vĩ của xứ Kinh Bắc: “Kinh Bắc có mạch núi cao chót vót, nhiều sông núi vòng quanh, là mạn trên của nước ta… Mạch đất tụ vào đấy, càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần, vì là khí hồn trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”.
Bắc Ninh địa linh sinh nhân kiệt
Thuở ấy, đất này là xứ Vũ Ninh. Theo truyền thuyết lịch sử và các tài liệu, thư tịch cổ: Kinh Dương Vương, húy Lộc Tục, sinh ngày 15 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (2919 trước công nguyên (TCN) mất ngày 18 tháng Giêng năm Kỷ Sửu 2792 TCN). Quê quán: Bộ tộc Dâu, xứ Vũ Ninh. Năm 2879 TCN, Kinh Dương Vương lập nên nhà nước Xích Quỷ (tên một ngôi sao có sắc đỏ rực rỡ nhất trong Nhị thập bát tú) – nhà nước sơ khai đầu tiên của nước ta. Xích quỷ nghĩa bóng là đất nước tự chủ ở phương Nam, tự phát triển mạnh mẽ, rực rỡ. Lúc đầu Vương đóng đô ở núi Ngàn Hống (hay còn gọi là Hồng Lĩnh), thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Sau đó, Vương dời đô về Ao Việt (Việt Trì), đền Tiên Cát ngày nay.
Kinh Dương Vương lấy con gái của vua hồ Động Đình là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân (tên húy là Sùng Lãm). Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở ra 100 người con. Người con trưởng được cha phong là Vua Hùng (Hùng Vương), với tổng cộng 18 đời Vua Hùng tiếp nối, kéo dài hơn 2000 năm.
Đền và lăng Kinh Dương Vương đặt ở thôn Á Lữ (Đại Đồng Thành – Thuận Thành – Bắc Ninh). Trong đền có nhiều hoành phi, câu đối khẳng định công ơn Kinh Dương Vương mở nước, như: Nam tổ miếu, Nam bang thủy tổ, Việt Nam hoàng đồ vạn lí giang sơn đề tạo thủy/ Hồng Bàng đức trụ thiên thu hà lạc từ linh thanh (Cương vực Việt Nam núi sông vạn dặm vốn đã được tạo lập từ xưa/ Họ Hồng Bàng đế vương ngàn năm chung đúc khí thiêng tiếng thơm còn mãi). Hậu cung đền có 3 cỗ ngai thờ, ngai Kinh Dương Vương ở giữa, ngai Lạc Long Quân bên phải, ngai Âu Cơ bên trái…
Bắc Ninh địa linh sinh nhân kiệt
Nên mới có một nhà sư Vạn Hạnh, một Lý Khánh Văn “kiến tạo” nên Nhà Lý rực rỡ trong lịch sử Đại Việt. Ở nơi là châu Cổ Pháp xưa kia, giờ vẫn rạng rỡ đền thờ 8 đời vua Lý, cách không xa là đền thờ vị vua thứ 9 – Vua bà Lý Chiêu Hoàng.
Nên Văn Miếu Bắc Ninh, nơi tôn thờ trên 600 tiến sỹ quê hương Kinh Bắc – chiếm 1/3 các vị đại khoa thời Hán học cả nước. Trong đó có Trạng nguyên khai khoa đời Lý – Trạng sư Lê Văn Thịnh, người trí thức mở đường khoa cử gần nghìn năm trước. Đền thờ ông ở trên núi Thiên Thai (huyện Gia Bình) với hình tượng một con rồng đá đang quằn quại, quay lưng lại, tự cắn vào thân mình để bày tỏ nỗi oan khiên.
Nên Bắc Ninh là quê hương của những nhà cách mạng: Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo…
Luy Lâu thời Bắc thuộc là trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế – thương mại, trung tâm văn hóa – tôn giáo lớn và cổ xưa nhất của nước ta. Trong đêm trường lệ thuộc ấy, từ Luy Lâu vẫn tiềm tàng sức sống mạnh mẽ của văn hóa bản địa. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Luy Lâu chính là thời kỳ rèn luyện “cá tính Việt Nam”, là “cái ổ để từ đó người Việt Nam tràn ra chiếm lĩnh vùng trung châu”, thời kỳ chuẩn bị những điều kiện tiền đề cho bước phát triển huy hoàng của văn hóa – văn minh Đại Việt thế kỷ X-XV. Từ Luy Lâu đến Thăng Long, con đường không gian chưa đầy 20 cây số, từ bờ Bắc sông Dâu đến bờ Nam sông Hồng, nhưng dân tộc đã phải đi mất cả nghìn năm. Đường tới Kinh thành Thăng Long với biểu tượng “rồng vàng bay lên” như tư thế vùng dậy làm chủ vận mệnh của dân tộc và quốc gia Đại Việt được bắt đầu từ đây, vùng đất Kinh Bắc địa linh nhân kiệt.