“Cứ đào tạo kiểu này thì cử nhân không ngóc đầu lên được” TS.Nguyễn Tiến Luận

“Cứ đào tạo kiểu này thì cử nhân không ngóc đầu lên được” TS.Nguyễn Tiến Luận

Đề nghị rút ngắn thời gian đào tạo đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội những ngày qua, bởi nhiều người băn khoăn thời gian học kiến thức ngành hay khối khiến thức chung sẽ bị cắt bớt?

Chia sẻ với độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Nguyễn Trãi đã nói thẳng rằng, hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp là vì kỹ năng quá yếu kém. Kỹ năng yếu kém là do đào tạo yếu kém.

Với thực trạng hiện nay, chương trình đào tạo bắt buộc phải dạy một thời lượng khá nhiều những môn học không phục vụ cho chuyên ngành, theo ông nếu kéo dài thực trạng này sẽ dẫn tới hệ quả gì?

TS.Nguyễn Tiến Luận:Điều tôi quan tâm nhiều nhất không phải là thời gian đào tạo, mà là dạy cái gì trong thời gian ấy. Dạy, học lớt phớt thì có học 6 năm cũng không tìm nổi việc làm chứ nói gì 3 năm.

Có những công việc như thủ quỹ, thu ngân, giao dịch tại ngân hàng thì cần gì phải đại học 4 năm. Để làm những công việc ấy thực ra chỉ cần học 2 năm là đủ rồi. Nhưng bên cạnh đó có những ngành thuộc về kỹ thuật thì cần có nhiều thời gian hơn.

Chúng ta thấy đấy, đã có vài trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Nạn thất nghiệp đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, nhưng các nhà quản lý hành động rất chậm chạp.

Hiện nay khá nhiều trường đại học công lập không đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, nhưng vẫn đào tạo hàng nghìn sinh viên. Họ được hưởng nhiều ưu đãi của nhà nước, nhưng đào tạo ra sản phẩm yếu kém, làm khổ nhiều gia đình mà lại chẳng phải chịu trách nhiệm gì cả.

Điều hiển nhiên mà ai cũng biết là học để đi làm cho nên người học cần được trang bị những kiến thức quan trọng phục vụ trực tiếp cho ngành họ chọn. Điều đó có nghĩa là theo xu hướng ấy thì phải tập trung tối đa thời gian cho đào tạo ngành và phải cắt bớt đi những nội dung không thuộc ngành đào tạo?

TS.Nguyễn Tiến Luận: Với việc gia nhập ngôi nhà chung ASEAN, thị trường lao động đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đó là cơ hội việc làm nhưng đòi hỏi phải có trình độ cao, nếu không nắm được thời cơ thì cơ hội việc làm sẽ rơi vào tay người lao động nước ngoài khi mà chúng ta cứ đào tạo một mình một kiểu.

Khi đã tốt nghiệp mà cử nhân bị đánh giá yếu kém kỹ năng thì đó là điều vô cùng xấu hổ cho cả một ngôi trường chứ chẳng riêng gì cử nhân ấy. Ai cũng mong muốn con mình thành đạt và thật bất hạnh cho những gia đình có con tốt nghiệp đại học, cao đẳng mà phải đi làm công nhân, phải làm những công việc không có chất xám. Cứ đào tạo kiểu này thì cử nhân không ngóc đầu lên được.

Một dân tộc anh hùng trong chiến tranh, tại sao lại không thể tạo ra những đột phá mạnh mẽ trong giáo dục, trong khi chúng ta biết rõ rằng giáo dục chính là đầu ra cho đất nước này?

Giáo dục đem lại thịnh vượng, hùng cường cho dân tộc. Chúng ta cũng đã nói với nhau từ rất lâu rằng, giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng nói như thế chứ hành động thì chưa ra hồn gì cả.

Tôi nghĩ bây giờ phải nói thẳng ra, giáo dục là ưu tiên số một của đất nước, xác định trọng tâm như vậy thì mới dành nguồn lực đầu tư xứng đáng.

Cái khó là chúng ta phải đào tạo ra được những cử nhân sau này trở thành công dân toàn cầu. Mà muốn trở thành công dân toàn cầu thì phải đào tạo tiệm cận với các nước đi đầu, chứ không thể nào làm ngược với người ta, rồi lại đem so với thời xửa thời xưa để tự huyễn hoặc mình là đã tốt hơn rồi.

Phần lớn các trường công lập vẫn đang được hưởng bao cấp, thế nhưng sản phẩm đào tạo ra lại rất kém mà chẳng có ai chịu trách nhiệm, và cứ theo đà này gánh nặng cho xã hội sẽ rất lớn?

TS.Nguyễn Tiến Luận: Có lần trò chuyện với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, tôi đã nói rằng nếu chúng ta cơ cấu lại hệ thống, quản lý tốt hơn, đẩy mạnh giáo dục ngoài công lập thì nhà nước còn giảm được hàng nghìn tỷ đồng ngân sách.

Một quốc gia có 90 triệu dân mà quản lý hệ thống đào tạo đại học rất buồn cười. Chúng ta chẳng giống ai khi mà cho đến bây giờ còn rất nhiều trường đại học, cao đẳng thuộc sự quản lý của bộ này, bộ kia.

Ngay cả Trung ương đoàn, Trung ương hội phụ nữ cũng đẻ ra các cơ sở đào tạo. Nhưng không phải nhằm mục đích đào tạo phục vụ cho ngành thuộc sự quản lý của bộ, của ngành, mà cũng tuyển sinh đào tạo tràn lan, góp phần thất nghiệp, đẩy gánh nặng ra xã hội.

Đấy là một cái vòng luẩn quẩn, và cứ thả nổi như thế thì cuối cùng nhà nước lại phải đi giải quyết hậu quả, trong khi rất nhiều tiền của dân đã đổ ra cho các cơ sở đào tạo công lập.

Lẽ ra những trường thuộc bộ, ngành chỉ tập trung đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm việc của ngành ấy thôi.

Lâu nay chúng ta tự bó buộc bằng những quy định làm khó cho mình, nay đã nhận thấy sự lạc hậu, lỗi thời với thế giới hiện đại thì phải mạnh dạn thay đổi, mà đó là những thay đổi cần thiết, phải làm ngay không thì rất nguy hiểm, vì cứ nhùng nhằng thế này thì sẽ còn hàng nghìn cử nhân thất nghiệp vì những lý do muôn thuở: Kỹ năng yếu kém!

Trong khi đó các trường ngoài công lập cần được tạo điều kiện hơn để họ yên tâm đầu tư lâu dài, chính sách cần phải thông thoáng hơn, chứ đừng hành chính rườm rà nữa.

Bây giờ ở ta vẫn còn có những điều bất cập, đấy là cơ chế xin cho. Mở một ngành ra, lập hồ sơ lên xuống, chờ đợi cả năm trời mới được mở. Thế thì làm sao mà người ta còn đủ tâm huyết để mà theo đuổi nữa.