Chương trình học Đại học của Mỹ khác gì Đại học ở Việt Nam

Chương trình học Đại học của Mỹ khác gì Đại học ở Việt Nam

1. Chương trình học ở Việt Nam quá dài

Thời gian học 4 năm ở lớp tại Việt Nam là 2.183 giờ so với 1.380 giờ ở Mỹ. Như vậy chương trình ở Việt Nam dài hơn gần 60%. Điều này có thể là do thiếu sách vở nên thầy phải vào lớp đọc cho trò chép hoặc là thói quen từ quá khứ để lại. Với thời gian ngồi lớp như vậy, học sinh sẽ còn ít thì giờ để tự học, nghiên cứu.

2. Chương trình ở Việt Nam không phải là dạy nghề cũng không phải là đào tạo một người có kiến thức sâu và tính sáng tạo

Chương trình học kinh tế ở Việt Nam đòi hỏi 1.451 giờ so với ở Mỹ chỉ đòi hỏi tối thiểu là 480 giờ (tức là 1/3 chương trình đại học), như vậy đòi hỏi học các môn kinh tế gấp 3 lần số giờ ở đại học Mỹ. Nhìn chương trình giảng dạy ở Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ta thấy, học sinh trong 4 năm phải học gần như tất cả mọi thứ trên đời về kinh tế mà nhà trường có thể nghĩ ra được, từ các môn cơ bản như kinh tế vi mô và vĩ mô, đến các môn như kinh tế lao động, quản trị xí nghiệp, kế toán, địa lý kinh tế, luật kinh tế, dân số học, chính sách thương mại, kinh tế tài nguyên và môi trường, phân tích dự án kinh tế, thị trường chứng khoán, v.v. Đây là những môn ít khi dạy ở cấp đại học 4 năm, và nếu có dạy thì chỉ là những môn để học sinh có thể tự chọn lựa, không bắt buộc; người dạy thường là thầy đã và đang nghiên cứu chuyên sâu về môn học đó. Đòi hỏi mỗi thứ một tí, học sinh không có khả năng hoặc thời gian đi sâu vào bất cứ vấn đề gì và thầy cũng chỉ đọc sách nói lại mà không chắc là đã hiểu. Theo các tài liệu giáo khoa của trường, có thể thấy nội dung giảng dạy rất nặng về lý thuyết mà nhiều phần học sinh ở Mỹ chỉ học trong chương trình sau cử nhân. Như vậy trường chỉ nhằm nhồi sọ kiến thức lý thuyết kinh tế, nhưng đồng thời, việc phân chia chi li các lớp học thì lại có vẻ thực dụng như trường dạy nghề.

3. Chương trình ở Việt Nam không trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản và toàn diện về khoa học tự nhiên, nhân văn, văn chương và nghệ thuật; không có một lớp nào về phương pháp nghiên cứu và viết luận văn

Chương trình ở Mỹ (ở các đại học danh tiếng) đòi hỏi học sinh phải học một chương trình cơ bản, bất kể họ đang học ngành gì – từ khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, xã hội đến nhân văn. Đây chính là chương trình thể hiện mục đích đào tạo những cá nhân có tri thức cơ bản, có phương pháp suy nghĩ và phân tích các vấn đề, có khả năng viết luận văn nghiên cứu (xem thêm Phụ lục I). Chương trình cơ bản bắt buộc này cũng chiếm 1/3 thời gian học 4 năm như thời gian tối thiểu dành cho ngành học chính. Chúng gồm có những môn như sau:

Chương trình kiến thức cơ bản bắt buộc ở đại học Mỹ

Tín chỉ (theo chương trình 3 kỳ 1 học một năm) Thời gian học (giờ)
Hội thảo về phương pháp suy luận, phân tích, nghiên cứu và viết luận văn 2 60
Ngoại ngữ hoặc qua kỳ thi sát hạch* 6 180
Viết tiếng Anh hoặc qua kỳ thi sát hạch* 2 60
Kiến thức cơ bản

Khoa học tự nhiên

Quy tắc và phương pháp logic

Khoa học xã hội và hành vi

Sử học

Giá trị (triết học, tôn giáo hoặc đạo đức học)

Văn học và nghệ thuật

1

1

1

1

1

1

180
Tổng chương trình cơ bản 16 480
Tổng chương trình 4 năm 45-46 1.380

Nguồn: dựa vào chương trình của Northwestern University

(* Nếu qua được kỳ thi sát hạch, học sinh có thể học ở những lớp cao hơn hoặc học về văn học nước ngoài dạy bằng tiếng nước ngoài, hoặc văn chương tiếng Anh để thay thế).

4. Ở đại học Việt Nam tất cả các môn có tính bắt buộc, học sinh không có quyền tự chọn, ngược lại ở Mỹ học sinh có quyền tự chọn đến 1/3 thời gian học dù học bất cứ ngành chính nào (như toán, vật lý, hoá học, kinh tế, tâm lý, văn chương, vv.)

Việc tự chọn là rất quan trọng để học sinh mở mang kiến thức về nhiều ngành học khác nhau. Việc hiểu biết liên ngành này cho phép học sinh hợp tác nghiên cứu liên ngành, phân tích và nhìn vấn đề không bị cục diện bó hẹp vào chuyên môn của mình. Học sinh đại học với quyền tự chọn có thể chọn hai ngành chuyên môn, hoặc một ngành chính và một ngành phụ (3) . Sau khi ra trường, họ có thể làm việc ở nhiều chuyên môn khác nhau chứ không bị bó vào ngành chuyên môn duy nhất mà họ học ở trường, thậm chí họ có thể thay đổi hoàn toàn để theo một ngành khác. Triết lý giáo dục ở Mỹ cho phép và trang bị cho sinh viên thực hiện việc đổi ngành mà không bị hụt hẫng.

Chương trình 4 năm đại học ở Mỹ

Kiến thức cơ bản bắt buộc (trong đó có những lớp bắt buộc và những lớp tự chọn trong những ngành bắt buộc) 1/3 chương trình 680 giờ
Ngành chính

Phần bắt buộc học

Phần tự chọn trong ngành chính

1/3 chương trình

1/6 chương trình

1/6 chương trình

680 giờ
Phần tự chọn trong các ngành khác, học sinh có thể lấy thêm một ngành chính khác, hoặc một ngành phụ và những lớp tự chọn thêm trong ngành chính 1/3 chương trình 660 giờ
Tổng 1.380 giờ

5. Trong ngành học chính (như toán, vật lý, hoá học, kinh tế, tâm lý, văn chương, vv.), ngoài các lớp cơ bản phải học, học sinh cũng có quyền tự chọn các lớp trong ngành chính, ngược lại học sinh ở Việt Nam phải học tất cả mọi thứ mà nhà trường đã quy định sẵn

Trong ngành chính (major), chẳng hạn như kinh tế, phần bắt buộc học cũng chỉ khoảng 1/2. Học sinh sẽ tự chọn những môn trong ngành kinh tế mà họ thích. Thí dụ về kinh tế, học sinh bị đòi hỏi học những môn sau:

Chương trình bắt buộc trong ngành chính, như môn kinh tế ở Mỹ

Tín chỉ Giờ
Kinh tế vi mô nhập môn 1 30
Kinh tế vĩ mô nhập môn 1 30
Toán calculus nhập môn 1 30
Thống kê cho ngành xã hội nhân văn 1 30
Kinh trắc học nhập môn 1 30
Kinh tế vi mô trung cấp 1 30
Kinh tế vĩ mô trung cấp 1 30
Tổng giờ học ngành chính bắt buộc 210
Giờ học ngành chính tự chọn 270
Tổng giờ học trong ngành chính 480

6. Chương trình về chủ nghĩa Marx – Lenin, chính trị chủ nghĩa xã hội, lịch sử Đảng chiếm 203 giờ, bằng 9% chương trình, quá nặng và cũng là lý do làm tăng số giờ giảng dạy lên tới 2.184

So với tổng giờ học thì việc dạy chính trị Marx – Lenin chiếm 9%, không phải là quá nhiều, nếu như đấy là triết học, chính trị học, luân lý, xã hội học và mỹ học duy nhất cần biết. Nhưng nếu học sinh cần được trang bị thêm về chính trị và triết học khác thì số giờ có thể cắt bớt. Nếu giả thử nhà nước không muốn cắt thì việc canh tân chương trình vẫn có thể thực hiện được.

7. Về chương trình canh tân

Do chương trình giảng dạy ở Việt Nam quá dài, vấn đề cắt bớt là cần thiết nhằm tạo thì giờ cho học sinh và thầy giáo nghiên cứu và tự học. Chương trình cắt bớt này có thể giảm hoặc vẫn giữ nguyên giờ học về chủ nghĩa Marx – Lenin. Nếu áp dụng đúng số giờ ở Mỹ thì tổng giờ học sẽ là 1.380, trong đó chỉ có 208 là môn học tự chọn (xem bảng sau). Nếu đưa tổng số giờ cho các môn tự chọn lên bằng ở Mỹ thì tổng số giờ học sẽ lên tới 1.640 giờ, cũng chỉ hơn Mỹ 20%, như vậy là giảm được 25% so với hiện nay.

Thời gian theo mô hình Mỹ nhưng giữ nguyên thời gian dạy chính trị như hiện nay

Giờ học 4 năm
Chương trình cơ bản 480
Ngành chính (có thể là toán, vật lý, kinh tế,…) 480
Chủ nghĩa Marx – Lenin 200
Tự chọn 208
Tổng 1.380

8. Khả năng canh tân chương trình ở Việt Nam

Khả năng canh tân chương trình ở Việt Nam hiện nay bị giới hạn bởi mô hình tổ chức đại học ở Việt Nam.

Trước tiên để hiểu những hạn chế gặp phải cần hiểu về những yếu kém của đại học Việt Nam, và do đó trước tiên cần biết qua về mô hình đại học Mỹ mà các nước trên thế giới hiện nay đang noi theo, kể cả đại học ở Pháp (Xem bài “Tìm hiểu về Đại học Mỹ” của cùng tác giả để biết thêm chi tiết).

Đại học Mỹ (university) có thể đều mang tính tổng hợp, có nhiều trường thành viên (colleges), và mỗi trường lại có nhiều phân khoa khác nhau. Thí dụ Đại học Northwestern có nhiều trường (college) như:

Trường khoa học tự nhiên và nhân văn (school of arts and science, đây là chữ thường dùng cho trường liberal arts, tức là gồm các ngành khoa học cơ bản như toán, vật lý, hoá học, và khoa học nhân văn như sử, kinh tế, chính trị, tâm lý, v.v.)

Trường thương mại (school of business)

Trường sư phạm (school of education)

Trường kỹ sư (school of engineering)

Trường luật

Trường y khoa

Trường âm nhạc

v.v.

Học sinh các trường chuyên nghiệp phải học chương trình kiến thức cơ bản ở Trường khoa học tự nhiên và nhân văn , mặc dù có khi được châm chước giảm thiểu hơn một chút. Nhiều trường chuyên nghiệp chỉ có ở dạng sau cử nhân, tức là học sinh phải học xong Trường khoa học tự nhiên và nhân văn rồi mới được nhận vào: đấy là trường luật, y khoa, và nhiều nơi là trường thương mại với chương trình MBA.

Với tổ chức như trên, Trường khoa học tự nhiên và nhân văn là linh hồn của giáo dục đại học, vì ở đây có thể dễ dàng thực hiện chương trình kiến thức cơ bản, học sinh các ngành khác nhau có thể học chung và có thể lấy những lớp ở những trường hoặc phân khoa (ngành chính) khác trong cùng trường cho chương trình tự chọn không thuộc ngành chính.

Đại học Việt Nam hiện nay vẫn được tổ chức như là những ốc đảo, ốc đảo về tổ chức và ốc đảo về địa lý (theo nghĩa trường nhân văn ở một nơi, trường luật ở một nơi, trường khoa học tự nhiên, như toán, vật lý, hoá học, sinh học, ở một nơi khác). Khi đại học Việt Nam được tổ chức lại thành các đại học quốc gia như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội thì việc tổ chức lại chỉ ở cái tên, với một lớp quản lý cao hơn ở phía trên, chương trình của đại học đã không tổng hợp lại, học sinh ở trường này không thể lấy lớp ở trường khác và địa dư khác biệt cũng làm cho việc lấy lớp khó khăn. Ốc đảo về tổ chức cũng không cho phép thầy giáo kết hợp, trao đổi và nghiên cứu chung. Việc tổ chức ốc đảo này tiếp tục vì triết lý giáo dục tổng hợp không được thể hiện trong chương trình giảng dạy ở mỗi trường. Mới đây trường kinh tế rút ra khỏi trường đại học quốc gia thành một trường độc lập. Do đó, việc học toán chẳng hạn, nếu học ở những thầy dạy kinh tế thì rõ ràng là học từ một người chỉ biết sơ về toán. Ngược lại, muốn dạy về kinh tế môi trường mà không biết gì về hoá học hoặc nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc không có cơ hội giao lưu với những người ở những ngành này thì mục đích cũng chẳng khác gì nhằm tạo ra những người khiếm thị.

Dù với những trở ngại này, vẫn có thể canh tân chương trình nếu như lấy triết lý giáo dục đại học là đào tạo ra những người có kiến thức cơ bản.

9. Về một trường đại học chất lượng cao ở Việt Nam

Việc thảo luận về một trường đại học chất lượng cao đã được tiến hành ở nhiều nơi tại Việt Nam. Chất lượng cao đòi hỏi một số điều kiện: (1) giáo viên được trả mức lương thỏa đáng để họ không phải dạy thêm và do đó không được phép dạy thêm, (2) điều kiện về trường sở và phương tiện học từ thư viện, máy tính, phòng thí nghiệm phải đầy đủ, (3) số học sinh trên một giáo viên phải thấp, không quá 20, và tất nhiên là (4) sinh viên có trình độ tiếp thu. Nếu chỉ dựa vào điều (1) tới (3), dự toán về một đại học chất lượng cao với 2.000 sinh viên sẽ là 5 triệu USD về đầu tư, và chi phí hằng năm gần 2 triệu USD. Dự toán này dựa trên một số giả định sau:

Lương bao gồm cả tiền hưu trí và bảo hiểm một giáo sư trung bình là 1.000 USD/một tháng. Có người được trả thấp hơn và có người được trả cao hơn. Đây là dự toán thấp nhất để có thể thuê được một người dạy ra trường ở nước ngoài với bằng tiến sĩ.

Số học sinh cao nhất là 20 trên một giáo sư.

Như vậy tính trung bình, tiền học phí hằng năm lên tới khoảng 1.000 USD để trang trải chi phí thường xuyên. Nếu giảm số sinh viên xuống là 10 trên một giáo viên, học phí lên tới khoảng 2.000 USD một năm. Nhưng vấn đề quan trọng và khó khăn hơn cả trong cả hai trường hợp là khả năng tuyển dụng được 100 đến 200 giáo viên có trình độ tiến sĩ.

Dự toán về một đại học chất lượng cao

Dự kiến
Số học sinh 2.000
Giáo viên (1/20) 100
Lương tháng 1.000
Lương năm (USD) 1.200.000
Giá trị tài sản/chi phí hằng năm 2,59
Tài sản Hệ số USD
Đất và công trình xây dựng 0,67619 3.380.953
Máy móc và sách vở 0,28571 1.428.571
Tiền vốn lưu động để chi phí 0,03810 190.476
Tổng tài sản 1,00000 5.000.000
Chi phí hằng năm
Lương/hưu trí/bảo hiểm 0,62145 1.200.000
Dụng cụ văn phòng, sửa chữa 0,11467 221.429
Năng lượng 0,14427 278.571
Đi lại cho giáo sư 0,02836 54.762
Chi phí khác (hoạt động sinh viên) 0,09125 176.190
Tổng chi phí thường xuyên 1,00000 1.930.952

Phụ lục. Chương trình đại học 4 năm ngành kinh tế ở Việt Nam

Ở Việt Nam, tiết gồm 45 phút học. Chương trình sau đây là chương trình kinh tế 4 năm đại học ở Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (4) . Tất cả các lớp đều có tính bắt buộc.

2 năm đầu Tiết Tiết Giờ
1 Lịch sử các học thuyết kinh tế 45
Quản trị học 45
Kinh tế vi mô 60
Kinh tế vĩ mô 60
Xác suất thống kê 60
Kế toán 60
Địa lý kinh tế 45
Quy hoạch tuyến tính 60
Marketing căn bản 45
Kinh tế công cộng 30
Kinh tế phát triển 30
Dân số học 30
Luật kinh tế 60
Tổng lớp kinh tế 630 473
2 Triết học Marx -Lenin 75
Kinh tế chính trị (i) 45
Kinh tế chính trị (ii) 30
Tổng lớp chính trị 150 113
Đại số tuyến tính 45
Giải tích 60
Tin học căn bản 60
Tổng lớp toán, tin học 165 124
3 Ngoại ngữ (i) 120
Ngoại ngữ (ii) 150
Tổng ngoại ngữ 270 203
4 Lịch sử triết học 30
Logic học 30
Tâm lý học 30
Tổng các môn khác 90 68
Tổng hai năm đầu 1.305 979
2 năm cuối Tiết Tiết Giờ
1 Lịch sử kinh tế quốc dân Việt Nam 45
Kinh tế quốc tế (i) 45
Lý thuyết thống kê 60
Lý thuyết tài chính tiền tệ 75
Kinh tế vi mô (ii) 60
Phân tích lợi ích và chi phí 45
Kinh tế các nước châu Á TBD 45
Kinh tế lao động 45
Kinh tế quốc tế (ii) 45
Dự báo 60
Kinh tế vĩ mô (ii) 60
Kinh tế phát triển 45
Kinh tế nông nghiệp 45
Kinh tế tài nguyên và môi trường 45
Phân tích kinh tế dự án 45
Kinh tế Việt Nam 30
Kinh tế công cộng 45
Tài chính quốc tế 45
Kế hoạch hoá và chính sách kinh tế 45
Chính sách thương mại và công nghiệp 45
Hạch toán quốc gia 45
Tiền tệ và ngân hàng 45
Mô hình hoá 45
Thị trường chứng khoán 45
Làm luận văn
Báo cáo hoặc thi 150
Tổng kinh tế 1.305 979
2 Lịch sử Đảng 60
Chủ nghĩa xã hội khoa học 60
Tổng chính trị 120 90
3 Ngoại ngữ (i) 60
Ngoại ngữ (ii) 60
Tổng ngoại ngữ 120 90
4 Tin học quản lý 60 60 45
Tổng hai năm sau 1.605 1.204
Tổng 4 năm 2.910 2.183
Kinh tế 1.935 1.451
Chính trị 270 203
Ngoại ngữ 390 293
Toán, tin học 225 169
Môn khác 90 68
Tỷ lệ giờ học kinh tế 66%
Tỷ lệ giờ học chính trị 9%
Tỷ lệ giờ học ngoại ngữ 13%
Tỷ lệ giờ học môn khác 11%

(Nguồn: Nhà xuất bản Tri Thức cung cấp)